Pin cũng là một trong những vấn đề lớn nhất đối với các thiết bị điện tử di động. Sau từ hai đến ba năm hoạt động, dung lượng pin sẽ giảm xuống, và thiết bị của bạn sẽ không còn trụ vững một ngày sau mỗi lần sạc đầy nữa. Một phần khác trong quá trình già đi này là sự nội kháng ngày càng tăng của các phim điện cực bên trong viên pin.
Điều đó có hai tác động lên hiệu năng. Kháng trở càng cao sẽ khiến điện áp đầu ra giảm sút khi thiết bị cần một dòng điện lớn (V=I2R nếu bạn vẫn còn nhớ bài học vật lý năm 12). Đây gọi là tình trạng "sụt điện áp". Năng lượng bị bỏ phí này sẽ chuyển thành nhiệt, khiến pin và linh kiện bên trong máy bị ấm lên - một điều hết sức nguy hiểm đối với hiệu năng thiết bị.
CPU khá nhạy với nhiệt độ, do đó chip quản lý năng lượng điện thoại có thể làm giảm tốc độ vi xử lý nếu nó phát hiện ra điện thoại trở nên quá nóng vì pin cũ. CPU và bộ nhớ chạy ở xung nhịp cao cũng đòi hỏi dòng điện mạnh hơn và do đó gây ra tình trạng "sụt điện áp". Một viên pin quá cũ sẽ không cung cấp đủ dòng điện cần thiết và một điện áp ổn định - nghĩa là hoặc tốc độ tối đã sẽ bị kéo xuống, hoặc nếu không, quá trình thực thi các tác vụ sẽ gặp vấn đề.
Sự cố hiệu năng CPU iPhone năm ngoái là một ví dụ cụ thể cho vấn đề này. Một lượng lớn các nhà sản xuất Android khẳng định họ không làm điều tương tự, ít nhất là thông qua các bản cập nhật phần mềm, và có lẽ không như Apple, họ đã giảm đôi chút xung nhịp thực tế của các con chip để không phải rơi vào trường hợp như iPhone. Dù sao thì, nguồn cung năng lượng càng kém ổn định sẽ khiến CPU càng khó để duy trì xung nhịp cao nhất, đồng thời RAM và ROM cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đọc và ghi.
Tệ nhất, pin bị chai có thể khiến cả hệ thống bị khởi động lại. Giải pháp lúc này chỉ còn 1 cách: thay pin mới. Không may là các smartphone cao cấp mới nhất hầu hết đã hàn cứng viên pin vào trong máy, khiến người dùng gặp khó khăn hơn khi tự sửa chữa, hoặc phải chấp nhận gửi máy đi bảo hành chính hãng với giá phụ kiện đắt đỏ.