99 tuần buôn chuyện

  01/09/2016

  Đỗ Việt Hưng

full_2bc55ad4ee03aeae2b4e20f9945467ac Tựa sách:99 tuần buôn chuyện Tác giả:Trần Thu Trang Ngôn ngữ:Tiếng Việt Lĩnh vực: Văn học Việt Nam
  • Download E-book: 99tuanbuonchuyen.pdf
99 tuần không phải là một khoảng thời gian không quá dài để ta quên đi những điều đã qua và cũng không quá ngắn để ta có thể chiêm nghiệm về những nhân những quả của mọi hành động diễn ra quanh mình. 99 tuần, không quá dài và cũng không quá ngắn, đủ để biến một cô bé Trang nhí nhảnh hồn nhiên trong Nhật ký tình yêu TIO thành một người phụ nữ đằm thắm cuồng nhiệt đam mê trong Phải lấy người như anh, Cocktail cho tình yêu và cuối cùng thành một “bà cô” đanh đá, nhìn cuộc sống với con mắt xét nét hơn, khắt khe hơn nhưng cũng vị tha, từng trải hơn. 99 buôn chuyện tuần bắt đầu bằng việc Trang từ một cô gái chỉ được biết đến qua vài diễn đàn trên mạng “chen chân” một cách tình cờ vào thế giới “người nổi tiếng” sau khi xuất bản 2 tác phẩm đầu tiên: Nhật ký tình yêu TIO và Phải lấy người như anh. Và thời gian cứ thế trôi qua, 99 bức thư đều đặn hàng tuần, như Trang nói, “chỉ để luyện thêm tay nghề viết lách” và “để giao lưu với những độc giả thân mến và không thân mến”, là 99 câu chuyện xung quanh cuộc sống của một cô gái trẻ già mồm trên mạng nhưng lại nhút nhát ngoài đời. 99 tuần là 99 mảnh ghép của một tính cách. Người ta có thể bắt gặp một Trang mong manh dễ vỡ trong câu chuyện về những con mèo ốm và cay nghiệt khi nói về những độc giả cố chấp thiển cận – cố tình “chê con tao xấu” mà chẳng thèm liếc mắt nhìn “đứa bé”, một Trang đầy vị tha khi đề cập đến thiên tai bão lũ và mỉa mai cay độc khi nói đến những chuyện chướng tai gai mắt vẫn xảy ra hàng ngày, một Trang với cái nhìn xót xa khi bàn về chuyện văn chương chữ nghĩa và nồng nhiệt đam mê khi kể về những đứa con tinh thần của mình. Những câu chuyện gần gũi vẫn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, ai cũng có thể gặp và mội người lại có cách ứng xử của riêng mình. 99 tuần của Trang không phải tuần nào cũng đầy ắp sắc màu và sự kiện, những lá thư hay xen kẽ với những lá thư quanh quẩn quanh sự bế tắc của bản thân tác giả. Phải chăng thế mới là cuộc sống? Và buôn chuyện cũng thế thôi, đôi khi chỉ những món hàng xén con con mà người ta vẫn có thể buôn. Một điều thú vị là phía cuối những bức thư hàng tuần nho nhỏ ấy, trong phần “tái bút dành cho tiếng Việt”, người ta bắt gặp một cô gái thật sự nghiêm túc trong việc sử dụng tiếng Việt. Thường những tái bút của Trang được tra cứu cẩn thận qua sách vở, qua mạng internet, qua những người bạn nhiều kinh nghiệm hơn về ngôn ngữ là những chú thích về cách dùng từ ngữ tiếng Việt khá bổ ích tuy không phải bao giờ cũng chính xác tuyệt đối, đôi khi lại mang tính cực đoan, hoài cổ. Những người khó tính về ngôn ngữ sẽ có một cảm giác hài lòng vì gặp được một bạn trẻ có thái độ trân trọng với ngôn ngữ, những kẻ dễ dãi hơn thì sẽ giật mình vì hóa ra lâu nay mình dùng sai mà không biết. Dẫu hiện nay có quan điểm cho rằng tiếng Việt là sinh ngữ, không phải là tử ngữ, những từ ngữ mới có được quyền “sai” so với nguồn gốc ban đầu nếu được số đông chấp nhận, cái sai sẽ trở thành đúng theo thời gian thì việc cặm cụi tìm hiểu về từ nguyên học của một người viết trẻ luôn là việc đáng được trân trọng. Nếu bạn mong chờ một thiên truyện diễm tình như trong Cocktail cho tình yêu hay Phải lấy người như anh thì 99 tuần buôn chuyện không phải là quyển sách dành cho bạn. Nhưng nếu bạn muốn tìm những tản văn, những dòng tâm sự về cuộc sống của một cô gái đầy cá tính, sao bạn không thử buôn chuyện cùng Trang? 99 tuần không phải là khoảng thời gian quá dài và chỉ vỏn vẹn trong vài trăm trang sách nhưng cũng đủ để bạn hiểu thêm cuộc sống qua lăng kính của một người viết trẻ. Dù buồn, dù vui, nếu có ai đó để cùng “buôn” thì cuộc sống vẫn sẽ nhẹ nhàng hơn.