10 năm ra mắt Amazon Kindle: Ngành sách toàn cầu đã thay đổi như thế nào?

  20/11/2017

  Hoang Kien

Ngày 19/10 giờ Mỹ vào 10 năm trước, Amazon giới thiệu chiếc Kindle đầu tiên của mình. Chiếc Kindle đời 1 to bự, có cả bàn phím vật lý và chỉ vỏn vẹn 250MB bộ nhớ trong, giá cũng “khủng” không kém: 399$. Thế nhưng tất cả hàng đều đã hết sạch trong vòng 6 giờ kể từ khi mở bán và vẫn khan hiếm cho đến tận tháng 4 năm sau đó. Khi đó, rõ ràng Amazon đang có một tầm nhìn về thứ gì đó rất khác, rất mới và có ảnh hưởng lớn đến tương lai của công ty.

Trong thập kỉ mà Kindle bắt đầu trở nên phổ biến, ngành xuất bản sách đã gặp nhiều khó khăn. Barnes & Noble, chuỗi cửa hàng sách lớn đến mức có thể là mối đe dọa cho các cửa hàng sách địa phương, đã đóng cửa nhiều cửa hàng với tốc độ nhanh chóng. Một công ty sách khác cũng lớn không kém là Borders thậm chí phải ngừng hoạt động. Tất cả những nhà phát hành, nhà xuất bản lớn khác thì bắt tay nhau và trở nên thân thiết hơn bao giờ hết.

Thực ra Kindle cũng chỉ là một phần trong kế hoạch thống lĩnh thị trường sách nói chung và sách điện tử nói riêng. Một báo cáo gần đây của Author Earning ở nhiều quốc gia cho thấy Amazon đang chiếm đến 80% thị trường ebook.

Chiếc Kindle thế hệ đầu tiên​

Sự trỗi dậy của các máy e-reader như Kindle cũng là dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của ngành sách giấy, ít nhất là theo cách mà chúng ta hay nghĩ về nó. Nhìn vào đây chúng ta lại liên tưởng đến cách mà ngành băng đĩa nhạc bị suy giảm mạnh nhờ các dịch vụ mua hoặc stream nhạc online cũng như các trang chia sẻ nhạc ngang hàng. Theo Nielsen Bookscan, doanh số sách in đã giảm 9% trong cả năm 2011 và 2012. Tính tới năm 2010, Amazon bán được nhiều sách ebook hơn sách bìa cứng, và hai năm trước đó, doanh số ebook bay như tên lửa với mức tăng trưởng 1260%.

Tất nhiên, đời không phải lúc nào cũng đơn giản là thế. Nhiều người từng nói sách in chết vào năm 2009 giờ cũng nói tương tự cho e-reader khi mà sách in đang có xu hướng trở lại. Cũng theo Nielsen, năm 2016 số sách in bán ở Mỹ đã tăng 3,3% so với cùng kì năm trước và đây đã là năm thứ ba điều này diễn ra. Trong khi đó, ebook lại bị giảm 18.7% trong 9 tháng đầu năm 2016. CNN nhanh chóng tuyên bố sách in chính là những “đĩa vinyl đời mới”, còn Guardian thì cho rằng e-reader vẫn còn quá bự, cồng kềnh nên không phải ai cũng thích.

Thị trường e-reader cũng trở nên ít tay chơi hơn. Một trong những hãng từng giữa danh hiệu trong top đầu là Sony đã tuyết định không còn tham gia e-reader nữa ngoại trừ một thiết bị lớn không được bán rộng rãi, Barnes & Noble cũng thực hiện điều tương tự. Một vài cái tên vẫn còn đang cố gắng cạnh tranh với Kindle, ví dụ như Kobo. Nhưng trải qua bao năm, Amazon vẫn đang thống thị trường. Thậm chí, giống như iPod hay xe Honda ở Việt Nam, người ta còn dùng từ “Kindle” để chỉ chung các máy đọc sách nữa.

Và chỉ mới tháng trước, Amazon ra mắt chiếc Kindle Oasis mới hoàn toàn với nhiều điểm nâng cấp. Đây là cách mà Amazon thể hiện cam kết tiếp tục phục vụ người dùng trong mảng ebook và e-readers, đồng thời là câu trả lời đáp trả cho những nghi vấn Amazon sắp giết Kindle. Chưa kể lễ hội Prime Day vừa qua (lễ mua sắm rất lớn được Amazon tổ chức cho những người mua gói ưu đãi Prime) là ngày bán Kindle chạy nhất ở cả Mỹ lẫn toàn cầu (nhưng hãng không chia sẻ số liệu nào liên quan).

Ngoài máy Kindle, còn một thứ nữa ra mắt cùng thời là Kindle Direct Publishing. Nền tảng này cho phép tác giả có thể phát hành sách nhanh chóng, bỏ qua các giấy tờ, hồ sơ truyền thống và giúp họ đưa ý tưởng, đưa câu chuyện của mình ra thế giới dễ dàng hơn. Có thể bạn chưa biết nhưng phim The Martian thực chất là sách được tác giả Andy Weir phát hành trên Kindle Direct với giá chỉ $0.99.

Từ giữa năm 2010 đến 2015, số tựa sách đăng kí ISBN (một loại mã định danh sách áp dụng toàn cầu) đã tăng từ 152.978 lên thành 727.125 tựa, và không ai khác, platform CreateSpace của Amazon đã giúp phần lớn trong số này. Amazon còn mua lại công ty sách nói Audible, cửa hàng truyện tranh số Comixology và Goodreads, cùng một số mạng xã hội dành cho người yêu sách.

Nhưng cũng chính vì sự tăng trưởng quá nhanh, quá lớn như thế này mà Amazon thường bị xem là kẻ xấu, hay đi ức hiếp những công ty nhỏ hơn hoặc các cửa hàng sách vật lý. Một trong những người có thể đứng ra chống lại Amazon bây giờ là Apple vì họ có tiềm lực và đăng tích cực chi nhiều tiền cho các nhà phát hành để giúp giảm sức mạnh của Amazon.

Dù cho ngành sách có đang phát triển theo hướng nào trong thời gian tới, Kindle vẫn xứng đáng được ghi nhận như một thành công của Amazon và nó cũng đã góp phần đưa Amazon lên vị trí của ngành hôm nay, nhất là trong mảng ebook và e-reader. E-reader có thể không còn là thiết bị đọc sách mà người ta chọn trong tương lai (smartphone, tablet sẽ thay thế?), nhưng với hàng triệu người ngoài kia, nó vẫn là cách tốt để tiếp cận với kho kiến thức trù phú của nhân loại.

Theo :appvn

Đóng góp ý kiến